Trong chặng đường lịch sử 95 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ Hà Tĩnh đã trải qua nhiều kỳ đại hội, từ đó không ngừng lớn mạnh cả về quy mô và chất lượng, giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị tỉnh nhà. Tuy vậy, đến nay, vẫn còn một số ý kiến chưa thống nhất về một số kỳ đại hội, hội nghị có tính chất quan trọng như một kỳ đại hội tổ chức trong giai đoạn 1930 - 1945 và 1945 - 1954. Các ý kiến chưa thống nhất này được ghi lại trong nhiều tư liệu lịch sử, xuất bản ở các thời điểm khác nhau nên rất khó để thống nhất, xác định. Bởi vậy, trong toàn bộ nội dung đăng tải lần này, Báo Hà Tĩnh chỉ tổng hợp và dẫn lại thông tin từ cuốn sách “Đảng bộ Hà Tĩnh qua các kỳ đại hội 1930 - 2000” do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản năm 2020; qua đó, góp phần khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đối với những thắng lợi của phong trào cách mạng địa phương và cách mạng Việt Nam trong các giai đoạn khác nhau.
ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XIV
- Thời gian đại hội: từ ngày 8 - 10/5/1996
- Địa điểm: tại thị xã Hà Tĩnh
- Số lượng đại biểu tham dự: 250 đại biểu.
- Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh được bầu tại đại hội: 47 ủy viên.
- Ban Thường vụ Tỉnh uỷ: 13 đồng chí.
- Bí thư Tỉnh ủy được bầu: đồng chí Đặng Duy Báu.
Với khẩu hiệu: "Trí tuệ, đoàn kết, dân chủ và đổi mới", đại hội đã nghe, thảo luận, góp ý và thông qua Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ khóa XIV; Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận, góp ý của Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh vào các dự thảo văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương khóa VII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng.
Đại hội xác định phương hướng cơ bản và mục tiêu tổng quát về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh trong 5 năm (1996 - 2000) là: Huy động mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế, đẩy nhanh nhịp độ tăng trưởng kinh tế nhằm thu hẹp khoảng cách thu nhập bình quân đầu người so với cả nước, cơ bản không còn hộ đói, phấn đấu thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo. Gắn kinh tế với xã hội, kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh; giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc của xã hội. Phát triển có trọng điểm và hợp lý giữa các lĩnh vực và các vùng kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - nông nghiệp - thương mại, dịch vụ. Củng cố vững chắc quốc phòng - an ninh; giữ vững ổn định chính trị, tạo đà cho sự phát triển nhanh hơn sau năm 2000.