Trong chặng đường lịch sử 95 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ Hà Tĩnh đã trải qua nhiều kỳ đại hội, từ đó không ngừng lớn mạnh cả về quy mô và chất lượng, giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị tỉnh nhà. Tuy vậy, đến nay, vẫn còn một số ý kiến chưa thống nhất về một số kỳ đại hội, hội nghị có tính chất quan trọng như một kỳ đại hội tổ chức trong giai đoạn 1930 - 1945 và 1945 - 1954. Các ý kiến chưa thống nhất này được ghi lại trong nhiều tư liệu lịch sử, xuất bản ở các thời điểm khác nhau nên rất khó để thống nhất, xác định. Bởi vậy, trong toàn bộ nội dung đăng tải lần này, Báo Hà Tĩnh chỉ tổng hợp và dẫn lại thông tin từ cuốn sách “Đảng bộ Hà Tĩnh qua các kỳ đại hội 1930 - 2000” do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản năm 2020; qua đó, góp phần khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đối với những thắng lợi của phong trào cách mạng địa phương và cách mạng Việt Nam trong các giai đoạn khác nhau.
ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XVIII
- Thời gian đại hội: từ ngày 16 - 18/10/2015
- Địa điểm: Trung tâm Văn hoá - Điện ảnh Hà Tĩnh (thành phố Hà Tĩnh)
- Số lượng đại biểu tham dự: 348 đại biểu
- Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh được bầu tại đại hội: 55 ủy viên
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy: 15 đồng chí
- Bí thư Tỉnh ủy được bầu: đồng chí Lê Đình Sơn
Đại hội thảo luận và thông qua Báo cáo Chính trị nhiệm kỳ 2010 - 2015; Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII; Báo cáo tổng hợp ý kiến, góp ý dự thảo các văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương; dự thảo bổ sung sửa đổi Điều lệ Đảng trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII...
Đại hội đề ra mục tiêu tổng quát là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ, đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; mở rộng hội nhập; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, gắn với nền nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đầu tư phát triển văn hóa - xã hội và hệ thống đô thị ngang tầm với phát triển kinh tế; bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị; đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại.