Trong chặng đường lịch sử 95 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ Hà Tĩnh đã trải qua nhiều kỳ đại hội, từ đó không ngừng lớn mạnh cả về quy mô và chất lượng, giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị tỉnh nhà. Tuy vậy, đến nay, vẫn còn một số ý kiến chưa thống nhất về một số kỳ đại hội, hội nghị có tính chất quan trọng như một kỳ đại hội tổ chức trong giai đoạn 1930 - 1945 và 1945 - 1954. Các ý kiến chưa thống nhất này được ghi lại trong nhiều tư liệu lịch sử, xuất bản ở các thời điểm khác nhau nên rất khó để thống nhất, xác định. Bởi vậy, trong toàn bộ nội dung đăng tải lần này, Báo Hà Tĩnh chỉ tổng hợp và dẫn lại thông tin từ cuốn sách “Đảng bộ Hà Tĩnh qua các kỳ đại hội 1930 - 2000” do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản năm 2020; qua đó, góp phần khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đối với những thắng lợi của phong trào cách mạng địa phương và cách mạng Việt Nam trong các giai đoạn khác nhau.
ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH NĂM 1931
- Thời gian: 25 - 31/3/1931.
- Địa điểm: làng Thường Nga, tổng Lai Thạch (nay là xã Thường Nga), huyện Can Lộc.
- Số lượng đại biểu tham dự: 11 đại biểu của 5 huyện bộ, đại diện cho 479 đảng viên trong toàn Đảng bộ.
- Bí thư Tỉnh ủy được bầu: đồng chí Mai Kính.
- Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh được bầu tại đại hội: 7 ủy viên.
Đại hội nhận định: Phong trào cách mạng trong tỉnh đang lan rộng và quyết liệt, các thủ đoạn lừa bịp của địch bị vạch trần, các tổ chức quần chúng phát triển mạnh. Tuy nhiên, đời sống của Nhân dân ngày càng khó khăn do 2 năm liên tiếp mất mùa, buôn bán ách tắc, do chính quyền địch tăng cường thu thuế và ngăn cản việc đi lại.
Từ nhận định trên, Đại hội chủ trương tiếp tục đẩy mạnh phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân, trong đó, tập trung cứu đói cho Nhân dân, củng cố sản xuất bằng các biện pháp đắp hồ đập, khơi thông mương máng chống hạn; mở rộng các tổ chức hội quần chúng; xây dựng mạng lưới tự vệ ở các làng xã, có huấn luyện chu đáo, mua sắm vũ khí trang bị để bảo vệ dân, hỗ trợ đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng.