Trong chặng đường lịch sử 95 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ Hà Tĩnh đã trải qua nhiều kỳ đại hội, từ đó không ngừng lớn mạnh cả về quy mô và chất lượng, giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị tỉnh nhà. Tuy vậy, đến nay, vẫn còn một số ý kiến chưa thống nhất về một số kỳ đại hội, hội nghị có tính chất quan trọng như một kỳ đại hội tổ chức trong giai đoạn 1930 - 1945 và 1945 - 1954. Các ý kiến chưa thống nhất này được ghi lại trong nhiều tư liệu lịch sử, xuất bản ở các thời điểm khác nhau nên rất khó để thống nhất, xác định. Bởi vậy, trong toàn bộ nội dung đăng tải lần này, Báo Hà Tĩnh chỉ tổng hợp và dẫn lại thông tin từ cuốn sách “Đảng bộ Hà Tĩnh qua các kỳ đại hội 1930 - 2000” do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản năm 2020; qua đó, góp phần khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đối với những thắng lợi của phong trào cách mạng địa phương và cách mạng Việt Nam trong các giai đoạn khác nhau.
ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH NĂM 1949
- Thời gian: tháng 4/1949
- Địa điểm: xã Nga Khê (nay là xã Thường Nga), huyện Can Lộc
- Bí thư Tỉnh ủy được bầu: đồng chí Hà Uyên.
- Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh được bầu tại đại hội: 23 ủy viên.
Đại hội tiến hành kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng bộ từ sau Hội nghị cán bộ Đảng tháng 1/1948. Đại hội đề ra các nhiệm vụ trong giai đoạn tới, cụ thể là:
- Huy động mọi khả năng quân sự, kinh tế vào chỉ viện cho Quảng Bình.
- Kiện toàn và mở rộng tổ chức dân quân để đối phó với mọi sự đột kích của địch.
- Đẩy mạnh xây dựng kinh tế theo phương châm “lấy sức dân làm lợi cho dân” nhằm tự túc ăn, mặc và học; cải thiện đời sống Nhân dân, thực hiện giảm tô.
- Tiếp tục bài trừ giặc dốt, xây dựng đời sống mới. Mở các lớp dạy nghề, dạy văn hóa, chính trị, phát triển văn hóa, giáo dục.
- Xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất, củng cố các đoàn thể cứu quốc, tăng cường khối đoàn kết toàn dân. Xây dựng chính quyền dân chủ mới, phát huy chức năng Hội đồng nhân dân các cấp, thực hiện khẩu hiệu “chính trị - kinh tế phối hợp”, “hòa hợp Việt Minh – Liên Việt”...
- Xây dựng Đảng thành một Đảng có tính chất quần chúng rộng rãi, làm cho Đảng có cơ sở trong mọi ngành, mọi tổ chức, mọi thôn xóm; chống tư tưởng cô độc, hẹp hòi, địa phương, bản vị. Nâng cao trình độ lý luận và văn hóa cho đảng viên. Mọi công tác của tỉnh, huyện phải hướng thẳng về chi bộ, xây dựng chi bộ tự động công tác.